Kết cục trên mẹ và trẻ sơ sinh khi khởi phát chuyển dạ chủ động ở thai kỳ đủ tháng

0
1206
Kết cục trên mẹ và trẻ sơ sinh khi khởi phát chuyển dạ chủ động ở thai kỳ đủ tháng
Kết cục trên mẹ và trẻ sơ sinh khi khởi phát chuyển dạ chủ động ở thai kỳ đủ tháng

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc chủ động chấm dứt thai kỳ lúc 39 tuần so với chờ chuyển dạ tự nhiên sẽ cải thiện hoặc không làm giảm kết cục xấu sau sinh. Tuy nhiên áp dụng trên diện rộng cho các thai phụ hay không vẫn đang là vấn đề cần xem xét.

Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm các nhà khoa học Mỹ công bố tháng 02/2019 trên tạp chí AJOG. Thiết kế nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu lấy thông tin mã hóa từ bệnh án các ca sinh ngôi đầu với tuổi thai từ 39 0/7 – 42 6/7 tuần (1/1/2012 – 31/12/2017) tại 21 bệnh viện ở Tây Bắc nước Mỹ.

Tiêu chuẩn loại trừ gồm: sinh mổ lần trước, mất dấu thông tin về kiểu sinh hoặc tuổi thai lúc sinh, tiền căn thai lưu, bất thường thai nhi, đái tháo đường thai kỳ và trước khi mang thai, tăng huyết áp thai kỳ.

Các kết cục thu thập trên nhóm được khởi phát chuyển dạ chủ động và nhóm vào chuyển dạ tự nhiên ở tuổi thai 39 và 40 tuần gồm: tỷ lệ sinh mổ, thời gian nằm viện (thời gian nhập viện chờ sinh, sau sinh và tổng thời gian), kết cục về phía bà mẹ (sinh giúp, sinh khó do kẹt vai, rách tầng sinh môn độ 3 – 4, tăng huyết áp thai kỳ, băng huyết sau sinh) và kết cục trên trẻ sơ sinh (thai to, Apgar 5 phút < 7, hồi sức lúc sinh, đặt nội khí quản, biến chứng hô hấp, nhập ICU).

Một số kết quả được rút ra như sau:

  • Trong tổng số 55.694 ca sinh: 4.002 trường hợp được khởi phát chuyển dạ chủ động lúc ³ 39 tuần; 51.692 ca (39 0/7 – 42 6/7 tuần) vào chuyển dạ tự nhiên.
  • Tỷ lệ sinh mổ: nhóm bà mẹ sinh con so được khởi phát chuyển dạ chủ động ở thai 39 tuần có liên quan với giảm khả năng sinh mổ (14,7% so với 23,2%; OR hiệu chỉnh 0,61; KTC 95%, 0,41 – 0,89) và tăng khả năng sinh giúp (18,5% so với 10%; OR hiệu chỉnh 1,8; KTC 95%, 1,28 – 2,54) so với thai kỳ vào chuyển dạ tự nhiên. Nhóm bà mẹ sinh con rạ: tỷ lệ sinh mổ tương đương ở cả hai nhóm.
  • Khởi phát chuyển dạ chủ động ở thai 39 tuần liên quan với giảm khả năng mắc tăng huyết áp thai kỳ ở nhóm sinh con so (2,2% so với 7,3%; OR hiệu chỉnh 0,28; KTC 95%, 0,11 – 0,68) và nhóm sinh con rạ (0,9% so với 3,5%; OR hiệu chỉnh 0,24; KTC 95%, 0.15 – 0,38); tuy nhiên lại gây tăng thời gian nhập viện chờ sinh ở cả nhóm sinh con so (1,3 giờ; KTC 95%, 0,2 – 2,3) và nhóm sinh con rạ (3,4 giờ; KTC 95%, 3,2 – 3,6).
  • Khởi phát chuyển dạ chủ động ở thai kỳ đủ tháng không liên quan đến tăng tỷ lệ biến chứng trên trẻ sơ sinh.

Như vậy, khởi phát chuyển dạ chủ động thai kỳ lúc 39 tuần liên quan với giảm tỷ lệ sinh mổ ở nhóm sinh con so; giảm tỷ lệ tăng huyết áp thai kỳ, tăng thời gian chuyển dạ và sinh ở cả nhóm sinh con so và sinh con rạ. Chính vì vậy việc áp dụng chỉ định trên vào thực tế lâm sàng vẫn đang là vấn đề đầy thách thức.

BS Thái Doãn Minh – BV Mỹ Đức

Nguồn: Souter V, Painter I, Sitcov K, et al. Maternal and newborn outcomes with elective induction of labor at term. Am J Obstet Gynecol 2019;220:273.e1-11; DOI: LINK