Nguy cơ sinh non ở phụ nữ đái tháo đường type 1

0
1164
Nguy cơ sinh non ở phụ nữ đái tháo đường type 1
Nguy cơ sinh non ở phụ nữ đái tháo đường type 1

Phụ nữ mắc đái tháo đường type 1 (ĐTĐ T1) có thể tăng nguy cơ sinh non, và nguy cơ này có thể càng cao hơn nếu kiểm soát đường huyết không tốt – đó là kết luận của một nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí Annals of Internal Medicine tháng 4/2019.

Không những tăng nguy cơ sinh non, những bệnh nhân mắc ĐTĐ T1 còn có nhiều nguy cơ bất lợi khác trong thai kỳ. Trẻ sinh ra từ mẹ mang thai mắc ĐTĐ T1 thường to, tăng nguy cơ sang chấn sản khoa, hạ đường huyết, suy hô hấp, chỉ số Apgar thấp và chết lưu.

Nghiên cứu đoàn hệ trong cộng đồng thu thập dữ liệu từ năm 2003 – 2014 trên tổng cộng 2474 trẻ sinh ra từ mẹ mắc ĐTĐT1 có ít nhất một lần xét nghiệm HbA1c quanh thời điểm thụ thai và hơn 1,1 triệu trẻ sinh ra từ mẹ không mắc đái tháo đường. Kết quả phân tích tỷ lệ sinh non <37 tuần và các kết cục khác như tử vong sơ sinh, thai lớn so với tuổi thai hay con to, sang chấn sản khoa, hạ đường huyết, suy hô hấp, điểm Apgar phút thứ 5 thấp hơn 7 và thai chết lưu.

Kết quả phân tích tỷ lệ sinh non <37 tuần và các kết cục khác như tử vong sơ sinh
Kết quả phân tích tỷ lệ sinh non <37 tuần và các kết cục khác như tử vong sơ sinh

Kết quả cho thấy:

  • Tỷ lệ sinh non ở nhóm mẹ mắc ĐTĐ T1 là 22,3% (552/2474) so với 4,7% (54287/1165216) ở nhóm bà mẹ không mắc đái tháo đường.
  • Nguy cơ sinh non tăng ở cả nhóm phụ nữ có nồng độ HbA1c thấp hơn mức khuyến cáo là 6,5% xét nghiệm quanh thời điểm thụ thai, so với nhóm không mắc ĐTĐ T1 (13,2% so với 4,7%; aRR 2,83 95% CI 2,28 – 3,52). Ngay cả khi lấy ngưỡng cắt của HbA1c ở mức 6%, nguy cơ sinh non cũng tương tự.
  • Nồng độ HbA1c càng cao, nguy cơ sinh non càng tăng. TỶ lệ sinh non theo ngưỡng HbA1c 6,5% – <7,8%; 7,8% – 9,1%; và ≥ 9,1% lần lượt là 20,6% (aR 4,22 95% CI 3,74 – 4,75); 28,3% (aRR 5,56, 95% CI 4,84 – 6,38) và 37,5% (aRR 6,91, 95% CI 5,85 – 8,17).
  • Nguy cơ sinh non vì phải chấm dứt thai kỳ sớm cũng tăng theo các mức ngưỡng HbA1c 6,5% – <7,8%; 7,8% – 9,1%; và ≥ 9,1%, với mức nguy cơ gia tăng lần lượt là 5,26; 7,42; 11,75 và 17,51.
  • Nguy cơ sinh non nguyên phát trong nhóm thai phụ mắc ĐTĐ T1 cũng tăng so với nhóm không mắc đái tháo đường. Ở các mức HbA1c 6,5% – <7,8%; 7,8% – 9,1%; và ≥ 9,1%, nguy cơ sinh non nguyên phát lần lượt là 1,81; 2,86; 2,88 và 2,80.
  • Không những tăng nguy cơ sinh non, những bệnh nhân mắc ĐTĐ T1 còn có nhiều nguy cơ bất lợi khác trong thai kỳ. Trẻ sinh ra từ mẹ mang thai mắc ĐTĐ T1 thường to, tăng nguy cơ sang chấn sản khoa, hạ đường huyết, suy hô hấp, chỉ số Apgar thấp và chết lưu; trong đó nguy cơ sang chấn ở trẻ sơ sinh tăng hơn gấp 3 lần.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng, phụ nữ mắc ĐTĐ T1 tăng nguy cơ sinh non ngay cả khi nồng độ đường huyết đạt mức khuyến cáo là thấp hơn 6,5%, thậm chí mức thấp hơn là < 6%. Điều này có thể nói rằng bản thân ĐTĐ T1 đã làm tăng nguy cơ sinh non và nguy cơ này càng nhiều hơn nếu kiểm soát đường huyết không tốt, nguy cơ sinh non vẫn có thể tăng độc lập với HbA1c.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng, phụ nữ mắc ĐTĐ T1 tăng nguy cơ sinh non ngay cả khi nồng độ đường huyết đạt mức khuyến cáo là thấp hơn 6,5%
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng, phụ nữ mắc ĐTĐ T1 tăng nguy cơ sinh non ngay cả khi nồng độ đường huyết đạt mức khuyến cáo là thấp hơn 6,5%

Nhóm nghiên cứu đánh giá nghiên cứu còn một số hạn chế, trong số đó có việc không thể đo nồng độ HbA1c cho tất cả các phụ nữ mang thai. Ngoài ra, nghiên cứu chỉ xét nghiệm HbA1c quanh thời điểm thụ thai, trong khi đó lại có một số bằng chứng cho thấy xét nghiệm HbA1c giai đoạn sau của thai kỳ có thể dự đoán sinh non tốt hơn. Mặt khác, dữ liệu phân tích không đánh giá hoạt động thể chất, lượng rượu tiêu thụ và chủng tộc. Quản lý thai kỳ ở những bệnh nhân mắc ĐTĐ T1 cũng khác nhau ở các quốc gia, cũng có thể là một yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ sinh non.

Lược dịch từ: Type 1 Diabetes Tied to Increased Risk for Preterm Birth – Medscape Medical News and Maternal Glycemic Control in Type 1 Diabetes and the Risk for Preterm Birth: A Population-Based Cohort Study – Annals of Internal Medicine April 2019.

Bài viết liên quan: Hướng dẫn sử dụng Insulin cho bệnh nhân mắc Đái tháo đường