Tổng quan về bệnh vẩy nến thể đồng tiền

0
1538
Tổng quan về bệnh vẩy nến thể đồng tiền
Tổng quan về bệnh vẩy nến thể đồng tiền

Vẩy nến thể đồng tiền là thể điển hình và phổ biến nhất của bệnh. Đặc trưng bởi các tổn thương da có hình dáng tương tự như đồng tiền với đường kính khoảng từ 1 – 4cm. Đây là thể bệnh khá lành tính và ít khi gây ra các biến chứng nghiêm trọng.

Contents

Dấu hiệu & nguyên nhân gây bệnh vẩy nến thể đồng tiền

Vẩy nến thể đồng tiền là thể điển hình và phổ biến nhất của bệnh. Các nốt ban trên da thường có hình dạng tròn như đồng tiền, kích thước khoảng 1 – 4cm, mọc tập trung thành từng đám và có xu hướng phát triển mãn tính.

1. Triệu chứng

Bạn có thể xác định thể bệnh thông qua các triệu chứng sau:

  • Da xuất hiện các đốm có màu hồng hoặc đỏ, đường kính trung bình từ 1 – 4cm, có hình đồng tiền và ranh giới rõ ràng so với vùng da bình thường.
Đặc trưng của vẩy nến thể đồng tiền là các đốm có màu hồng/ đỏ, đường kính khoảng 1 – 4cm
Đặc trưng của vẩy nến thể đồng tiền là các đốm có màu hồng/ đỏ, đường kính khoảng 1 – 4cm
  • Bề mặt các đốm đỏ có xu hướng dày sừng, chuyển sang màu trắng bạc và tróc vảy.
  • Khi vảy tróc, vùng rìa của đốm đỏ thường có xu hướng rỉ máu hoặc nổi cộm.
  • Các đốm vẩy nến thể đồng tiền thường xuất hiện nhiều nơi trên cơ thể. Trong khi đó, bệnh hắc lào có triệu chứng tương tự nhưng chỉ xuất hiện ở 1 – 2 vị trí nhất định.

Mức độ triệu chứng của bệnh vẩy nến thể đồng tiền còn phụ thuộc vào các yếu tố như tình trạng da, yếu tố kích thích và thể trạng của người bệnh…

2. Vị trí

Bệnh vẩy nến thể đồng tiền có xu hướng xuất hiện ở bắp tay, đầu gối, mặt và xương cùng. Các tổn thương da có thể tập trung khu trú ở một số bộ phận hoặc rải rác toàn bộ cơ thể.

3. Nguyên nhân

Vẩy nến thể đồng tiền có thể phát sinh do yếu tố di truyền. Đặc tính di truyền bệnh thường nằm trên nhiễm sắc thể số 6. Các gen này thường bị kích thích bởi một số yếu tố như căng thẳng, rối loạn nội tiết, nhiễm khuẩn, môi trường ô nhiễm,…

Ngoài ra, vẩy nến còn có thể là hệ quả của tình trạng rối loạn miễn dịch. Ở người mắc bệnh, các tế bào lympho T hoạt hóa có khả năng thúc đẩy các thành phần trung gian, dẫn đến tăng sinh tế bào sừng và gây ra bệnh vẩy nến.

4. Ảnh hưởng của bệnh vẩy nến thể đồng tiền

Vẩy nến thể đồng tiền là thể bệnh lành tính và ít khi ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Tuy nhiên triệu chứng của bệnh có thể làm mất thẩm mỹ bề mặt da, gây ngứa và giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Nếu không tiến hành điều trị, tổn thương da có thể lây lan trên diện rộng. Từ đó làm tăng triệu chứng ngứa ngáy và có thể gây ra bội nhiễm.

Chẩn đoán bệnh vẩy nến thể đồng tiền

Bệnh vảy nến nói chung và vẩy nến thể đồng tiền nói riêng có thể bị nhầm lẫn với các tình trạng da liễu khác như chàm, viêm da tróc vảy,… Vì vậy bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán trước khi đưa ra định hướng điều trị.

Đầu tiên, bác sĩ sẽ quan sát vị trí và biểu hiện của tổn thương da. Sau đó có thể sinh thiết mô bệnh học da để xem xét các yếu tố bên trong.

Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý sau:

  • Bệnh chàm khô
  • Sẩn giang mai II
  • Á vẩy nến
  • Vẩy phấn hồng
  • Á sừng liên cầu

Các phương pháp điều trị bệnh vảy nến thể đồng tiền

Việc điều trị bệnh vảy nến còn gặp nhiều khó khăn vì các chuyên gia vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể gây ra bệnh lý này. Hầu hết các phương pháp được áp dụng chỉ có tác dụng cải thiện biểu hiện lâm sàng và làm giảm nguy cơ tái phát.

Vì vậy bên cạnh việc dùng thuốc, bạn cần phối hợp với biện pháp chăm sóc để hỗ trợ quá trình điều trị đạt được kết quả tốt.

1. Dùng thuốc

Sử dụng thuốc là phương pháp chủ yếu trong điều trị bệnh vẩy nến thể đồng tiền. Dựa vào triệu chứng lâm sàng và đáp ứng của từng cá thể, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp với từng trường hợp.

Thuốc bong vảy, thuốc mỡ corticoid,… là những loại thuốc phổ biến trong điều trị vẩy nến thể đồng tiền
Thuốc bong vảy, thuốc mỡ corticoid,… là những loại thuốc phổ biến trong điều trị vẩy nến thể đồng tiền
  • Thuốc bong vảy (chế phẩm chứa salicylic acid): Loại thuốc này có tác dụng làm giảm quá trình bong vảy trên vùng da tổn thương. Ngoài ra, salicylic acid còn có đặc tính sát trùng nhẹ nên có khả ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Thuốc khử oxy Goudron: Loại thuốc này được chưng cất từ gỗ thông, có tác dụng loại bỏ vảy và cứng cộm ở vùng da tổn thương. Tuy nhiên loại thuốc này có màu đen, có thể dính vào quần áo vĩnh viễn hoặc có thể gây viêm nang lông nếu sử dụng lâu ngày.
  • Thuốc mỡ corticoid (Eumovate, Diproson, Flucinar, Lorinden,…): Thuốc mỡ corticoid có tác dụng giảm viêm, cải thiện tình trạng bong vảy và ngứa ngáy. Tuy nhiên sử dụng trong thời gian dài có thể khiến da bị teo, giãn mạch, nổi mụn,… Do đó khi dùng, cần sử dụng trên vùng da nhỏ và trong thời gian ngắn. Có thể dùng xen kẽ nhiều loại thuốc để tránh tình trạng lạm dụng khiến tác dụng của thuốc suy giảm.
  • Thuốc mỡ Calcipotriol: Calcipotriol có cấu trúc tương tự vitamin D3, có khả năng kích thích biệt hóa và ức chế tăng sinh tế bào sừng. Tác dụng của Calcipotriol mạnh hơn corticoid, tuy nhiên chỉ sử dụng loại thuốc này trên các vùng da nhỏ. Đồng thời không sử dụng quá 100g/ tuần và chỉ nên điều trị trong 4 – 8 tuần.
  • Retinoid: Là dẫn xuất của vitamin A có khả năng biệt hóa tế bào và điều hòa tăng trưởng. Thuốc tác động trực lên gen của keratin nhằm làm chậm quá trình tăng sản biểu bì. Thuốc Retinoid có thể dùng cho trường hợp vẩy nến thể đồng tiền diện rộng.
  • Methotrexate: Có khả năng đối kháng với acid folic nhằm hạn chế sinh tổng hợp acid nucleic – thành phần trong quá trình tăng sinh tế bào thượng bì, gây ra tình trạng dày sừng ở bệnh nhân vẩy nến. Methotrexate hiếm khi được dùng cho bệnh nhân vẩy nến thể đồng tiền. Tuy nhiên với những trường có tổn thương da chiếm hơn 50% diện tích cơ thể, bác sĩ có thể chỉ định thuốc để ức chế bệnh kịp thời.

Ngoài ra, bệnh nhân vẩy nến thể đồng tiền có thể được chỉ định một số thuốc điều trị khác như vitamin A, thuốc kháng histamine tổng hợp, biotin,…

2. Quang hóa trị liệu

Quang hóa trị liệu là phương pháp sử dụng thuốc cảm ứng ánh sáng và chiếu tia cực tím UVA nhằm chống quá trình phân bào và giảm số lượng của tế bào lympho T (tế bào kích thích tăng sinh thượng bì da).

Phương pháp này có cách thực hiện khá đơn giản và thời gian điều trị ngắn. Trong giai đoạn triệu chứng bùng phát, chiếu quang hóa trị liệu 3 lần/ tuần trong 1 tháng và duy trì 1 lần/ tuần trong 2 tháng.

Tuy nhiên khi áp dụng quang hóa trị liệu, bạn có thể gặp phải một số tác dụng phụ như nổi mụn nước, buồn nôn, ngứa, đỏ da,…

Chế độ chăm sóc cho bệnh nhân vẩy nến thể đồng tiền

Mặc dù có tiến triển kéo dài và thường xuyên tái phát nhưng bệnh vẩy nến thể đồng tiền khá lành tính và ít gây nguy hiểm đến sức khỏe.

Việc điều trị dứt điểm bệnh trong thời điểm hiện nay còn gặp khá nhiều khó khăn, vì vậy bạn nên chủ động chăm sóc và điều trị để kiểm soát các triệu chứng của bệnh.

Cần hạn chế rượu bia và đồ ăn chứa cồn trong thời gian điều trị
Cần hạn chế rượu bia và đồ ăn chứa cồn trong thời gian điều trị

Các biện pháp chăm sóc bệnh nhân vẩy nến, bao gồm:

  • Hạn chế rượu, bia, đồ uống có cồn và cà phê. Bên cạnh đó cần kiêng cử các thực phẩm không lành mạnh như thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm nhiều dầu mỡ và gia vị.
  • Tránh cào và gãi lên vùng da tổn thương. Tác động từ ngón tay có thể khiến da bị trầy xước và có nguy cơ nhiễm trùng.
  • Căng thẳng thần kinh cũng là yếu tố kích thích triệu chứng của bệnh vẩy nến phát sinh. Vì vậy bạn cần giữ tâm lý thoải mái, điều chỉnh thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.
  • Tập thể dục đều đặn để tăng cường trao đổi chất và hạn chế các rối loạn trong hệ miễn dịch.
  • Nên tắm nắng trong thời gian 6 – 8 giờ sáng để da hấp thu vitamin D và biệt hóa các tế bào sừng.

Nếu thực hiện nghiêm túc các phương pháp điều trị và chăm sóc đúng cách, triệu chứng của bệnh vẩy nến đồng tiền sẽ được kiểm soát và hạn chế ở mức tối đa.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, không phải tư vấn chuyên môn. Chúng tôi không đưa ra lời khuyên thay thế cho chỉ định từ nhân viên y tế!