U màng não: Biểu hiện lâm sàng, chẩn đoán và điều trị

0
1895
U màng não: phân loại, chẩn đoán và thái độ điều trị
U màng não: phân loại, chẩn đoán và thái độ điều trị

Bất kỳ sự tổn thương nào ở não bộ dù ít hay nhiều đều sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, hoạt động của mỗi người, đặc biệt là những trường hợp có xuất hiện khối u trong não.

Contents

Ca lâm sàng

Bệnh nhân nữ (52 tuổi) bị đau đầu nhiều năm, 2 tháng trước vào khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vì rối loạn trí nhớ và cảm xúc, không liệt khu trú.

Bệnh nhân được chỉ định chụp cộng hưởng từ, chẩn đoán u màng não thùy trán đỉnh có chèn ép xoang tĩnh mạch và chỉ định mổ lấy toàn bộ u, cắt bỏ màng não phần u xâm lấn. Sau mổ 5 ngày, bệnh nhân hồi phục hoàn toàn và ra viện.

Giải phẫu bệnh của khối u: u màng não thể chuyển tiếp (độ 1) lành tính.

Vậy u màng não là gì???

Vậy u màng não là gì???
Vậy u màng não là gì???

Phân loại các cấp độ bệnh

Thuật ngữ u màng não chỉ những u xuất phát từ màng não, được đặt tên bởi Harvey Cushing. Màng não là lớp màng bao quanh não và tủy sống. U màng não là khối u phát triển từ những tế bào của màng nhện (arachnoid cell), thường xếp theo kiểu hợp bào (meningiothelial meningioma), có ranh giới rõ.

Vị trí: ở thành xoang tĩnh mạch dọc trên, nền sọ dọc theo cánh xương bướm hoặc trong não thất bên… U có khả năng xâm lấn tổ chức kế cận và chèn ép nhiều tổ chức khác. U màng não có bản chất đặc trưng mô học là những lá để tạo ra chất thấu quang trung tâm mà cuối cùng vôi hóa để tạo thành thể cát (psammomatous); một dãy kết dính của nguyên bào sợi kéo dãn với nhận hẹp được tìm thấy trong loại nguyên bào sợi.

Phân độ theo WHO (Grading) các u màng não được chia làm 3 độ:

Độ I: Ở độ 1 không biệt hoá, đa số là lành tính và khả năng tái phát chậm.

– U màng não ở dạng thượng mô (còn gọi là Meningothelial Meningioma)

– U màng não ở dạng sợi (còn gọi là Fibrous Meningioma)

– U màng não ở dạng chuyển tiếp (còn gọi là Transitional Meningioma)

– U màng não ở dạng thể cát (còn gọi là Psammomatous Meningioma)

– U màng não ở dạng tăng sinh mạch (còn gọi là Angiomatous Meningioma)

– U màng não ở dạng thoái hóa vi nang (còn gọi là Microcystic Meningioma)

– U màng não ở dạng chế tiết (còn gọi là Secretory Meningioma)

– U màng não ở dạng giàu tương bào lympho (còn gọi là Lymphoplasmacyterich)

– U màng não ở dạng chuyển sản (còn gọi là Metaplastic Meningioma)

Độ II: Có 1 số tế bào atypic được gọi là tế bào không điển hình, có thể chuyển từ lành tính sang dạng khác – khả năng tái phát lớn.

– U màng não ở dạng không điển hình (còn gọi là Atypical Meningioma)

– U màng não ở dạng tế bào sáng (còn gọi là Clear cell Meningioma)

– U màng não ở dạng xâm lấn nhu mô não (còn gọi là Brain invasive Meningioma)

– U màng não ở dạng nguyên sống (còn gọi là Chordoid Meningioma)

Độ III: Thoái sản hay giảm biệt hoá ác tính (malignant) – khả năng tái phát rất lớn

– U màng não ở dạng hình que (còn gọi là Rhabdoid Meningioma)

– U màng não ở dạng nhú (còn gọi là Papillary Meningioma)

– U màng não ở dạng thoái sản ác tính (còn gọi là Anaplastic Meningioma)

Các bệnh nhân được xếp loại độ II và III có tỉ lệ tái phát tại chỗ, xâm lấn lân cận sau điều trị cao hơn hẳn so với độ I, ngoài ra thời gian sống trung bình của hai nhóm này cũng thấp hơn so với độ I. Đối với bệnh nhân độ II, tỷ lệ sống sau 2 năm và 5 năm lần lượt là 93% và 73%, tỷ lệ này là 57% và 42% đối với độ III.

Nhiều loại u mới nhất hiện nay được mô tả như: Clear cell, rhabdoid và chordoid như là những u màng não có độ ác cao và dễ tái phát. U màng não ác tính được định nghĩa như là một nguyên bào thâm nhiễm, sự xâm lấn vỏ não và có thể di căn. Một loại khác là nguyên bào mạch máu có tương tự về mô học là loại hemangiopericytoma có tỷ lệ tái phát cao.

Biểu hiện lâm sàng và chẩn đoán bệnh

Triệu chứng lâm sàng của u màng não liên quan đến vị trí và kích thước u.

– Động kinh là một dấu hiệu có ý nghĩa, gặp khoảng 20 – 25%. Vùng cuống u có khuynh hướng dày xương.

– Đau đầu không đặc hiệu, không nặng và vị trí đau không điển hình tại vùng có u.

– Hội chứng Foster Kennedy: u màng não vùng trán, u dây I.

– Teo gai thị cùng bên với thương tổn và phù gai thị phía đối bên.

– U màng não vùng đỉnh – chẩm khi có chèn ép vào vùng khe cựa, vùng 17 và 18 trên bản đồ Broadman sẽ có biểu hiện bán manh ¼ của cả hai mắt.

– U màng não tại vùng rãnh trung tâm, nhất là tại hồi trán lên, vùng vận động của hình người lộn ngược Penfield sẽ có liệt vận động không đồng đều.

Diễn biến lâm sàng u màng não kéo dài nhiều năm cho đến khi u rất to mới phát hiện được trên CT hoặc MRI não vì các triệu chứng rất nghèo nàn, ngoại trừ triệu chứng đau đầu có sớm nhưng lại không điển hình.

U màng não lớn
U màng não lớn

Thái độ xử trí và điều trị

– Lấy toàn bộ u là một biện pháp tối ưu.

Một vài u dính vào cấu trúc sinh tồn và cấu trúc mạch máu là một thách thức không nhỏ đối với các phẫu thuật viên thần kinh khi loại bỏ hoàn toàn các u này. Chọn lựa đường vào u và áp dụng kỹ thuật vi phẫu là một phương pháp hữu hiệu nhất để loại bỏ hoàn toàn u nhằm cải thiện chất lượng sống tốt hơn.

– Xạ trị (radiotherapy) hoặc xạ phẫu (radiosurgery) sau mổ.

Kết quả xạ trị trong điều trị u màng não cũng còn nhiều hạn chế. Đối với các u màng não ác tính và hemangiopericytoma được khuyến cáo xạ trị.

Xạ phẫu liều cao phải vào đúng u mới có hy vọng làm cho kích thước của u nhỏ lại hoặc ổn định kích thước, thực hiện khi chưa cắt bỏ hoàn toàn u. Xạ phẫu thường được dùng cho các u màng não có kích thước nhỏ, đường kính dưới 2cm. Khi chỉ định xạ phẫu cần phải xem xét và đánh giá thận trọng đối với những u màng não có kích thước thích hợp sau phẫu thuật còn để lại phần nhỏ u, hoặc những u rất nhỏ ở vị trí sâu, hoặc những người già có u màng não rất nhỏ và những u màng não tái phát nhưng không thể mổ lại.

Đối với các u màng não lành tính, xạ trị phân liều là một chỉ định cho những u không mổ, đối với những u còn để lại sau mổ, hoặc những u tái phát không có chỉ định mổ mà nó vượt ngoài chỉ định xạ phẫu.

– Nội khoa được xem xét trong điều trị u màng não là chất đối kháng nội tiết như Tamoxifen, Mifepristone (RU486) cũng được sử dụng để làm ổn định thể tích u do đáp ứng một phần của chất này, một chọn lựa đối với u màng não không thể cắt bỏ tận gốc và có xu hướng tái phát  Cũng có những nghiên cứu liên quan đến Hydroxyurea và Interferon – 2B là những chất tương tự cũng làm cho thể tích u ổn định. Hóa trị liệu bổ sung cho các u màng não ác tính là cần thiết nhưng hiệu quả vẫn còn gây nhiều tranh cãi.

TS.BS Nguyễn Vũ