Thuốc chống kết tập tiểu cầu Ticagrelor có thể dùng làm kháng sinh?

0
1418
Thuốc chống kết tập tiểu cầu Ticagrelor có thể dùng làm kháng sinh?
Thuốc chống kết tập tiểu cầu Ticagrelor có thể dùng làm kháng sinh?

Ticagrelor là chất ức chế P2Y12 được chấp thuận để ngăn ngừa các biến cố tim mạch. Gần đây, một nghiên cứu trên tế bào và chuột được đăng trên JAMA Cardiology cho thấy ticagrelor có hoạt tính kháng vi khuẩn gram dương đề kháng thuốc.

Thuốc chống kết tập tiểu cầu Ticagrelor có thể dùng làm kháng sinh?
Thuốc chống kết tập tiểu cầu Ticagrelor có thể dùng làm kháng sinh? Nguồn hình: Medscape
Một phân tích hậu kiểm đã cho thấy nhóm bệnh nhân dùng ticagrelor trong thử nghiệm lâm sàng có tỷ lệ tử vong do nhiễm khuẩn thấp hơn so với nhóm dùng clopidogrel. Do đó các nhà nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm để xác định liệu ticagrelor có đặc tính kháng khuẩn hay không.

Các nhà nghiên cứu đã thử hoạt tính của ticagrelor và các chất chuyển hóa đối với một số vi khuẩn trên in vitro. Kết quả cho thấy:

  • Ticagrelor và một trong số các chất chuyển hóa có hoạt tính kháng khuẩn đối với tất cả các chủng vi khuẩn gram dương được thử nghiệm, bao gồm cả các chủng kháng thuốc. 
  • Ticagrelor vượt trội hơn vancomycin trên các chủng S. aureus và S. epidermidis kháng methicillin (MRSA và MRSE). 
  • Ở chuột, ticagrelor liều thường dùng ức chế sự phát triển của vi khuẩn trên mô cấy ghép bị nhiễm S. aureus.

Nồng độ diệt khuẩn tối thiểu của ticagrelor dao động từ 20 – 40 mg/L đối với các chủng gram dương. Ticagrelor không có hoạt tính kháng vi khuẩn gram âm như Pseudomonas aeruginosa và Escherichia coli. Ticagrelor làm tăng hoạt tính diệt khuẩn của vancomycin, rifampin và ciprofloxacin. Tác động ức chế của sự hình thành màng sinh học phụ thuộc liều đã được ghi nhận trên MRSA, VRE và MRSE.

Lưu ý rằng với liều dùng để điều trị bệnh tim mạch, ticagrelor không đạt được nồng độ diệt khuẩn ở mức độ toàn thân, nhưng vẫn có thể có hoạt tính kháng khuẩn tại các vị trí nhiễm khuẩn do tác động tích lũy thuốc thông qua tiểu cầu. Các nhà nghiên cứu kêu gọi tiến hành thử nghiệm ngẫu nhiên để so sánh hoạt tính kháng khuẩn của ticagrelor với các liệu pháp chống tập kết tiểu cầu khác ở những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch.

Bình luận

Nghiên cứu này cung cấp bằng chứng giải thích hoạt tính kháng khuẩn có thể có của ticagrelor quan sát được trong các phân tích hậu kiểm của các thử nghiệm lâm sàng được tiến hành trước đây. Mặc dù tác động kháng khuẩn đáng kể trên in vitro chỉ thấy ở nồng độ cao hơn so với liều điều trị bệnh tim mạch, tác động kháng khuẩn và kháng màng sinh học mạnh của ticagrelor trong các nghiên cứu trên chuột cho thấy khả năng phối hợp với hệ miễn dịch của cơ thể. Các nghiên cứu lâm sàng trong tương lai sẽ hướng đến việc khảo sát việc sử dụng ticagrelor trong bệnh nhiễm nội mạch.

Tài liệu tham khảo

Patrizio Lancellotti, Lucia Musumeci, Nicolas Jacques, et al. Antibacterial Activity of Ticagrelor in Conventional Antiplatelet Dosages Against Antibiotic-Resistant Gram-Positive Bacteria. JAMA Cardiol. doi:10.1001/jamacardio.2019.1189. Link. Truy cập 01/06/2019.

Nguồn: Thông tin thuốc