THUỐC ĐÔNG Y CÓ AN TOÀN KHÔNG

0
1351
Thuốc Đông y có an toàn
Tử vong, tâm thần vì nhiễm độc "thần dược"

Gia đình tôi có truyền thống làm đông y đến bố tôi là đời thứ 4, cụ lang học bên Trung Quốc nhiều năm trước khi về Việt Nam hành nghề. Đến đời tôi thì không theo nữa mà chuyển hướng sang Tây y. Tuy thế từ bé đã tiếp xúc, sao tẩm và ăn cắp thuốc cho cụ lang ấy nên cũng biết võ vẽ chút ít.

Hầu hết mọi người nói đông y an toàn vì toàn thảo dược. Uống vào chả làm sao, chẳng bổ chỗ này thì bổ chỗ khác chẳng đi đâu mà thiệt. Quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Các vị thuốc thảo dược, dù là thuốc bổ cũng phải dùng cho đúng từ những người làm chuyên môn chân chính, kẻo mang hoạ.

Tôi kể vài câu chuyện hầu các anh chị từ các bệnh nhân thực tế của tôi.

Ngày trước, tôi có bệnh nhân tăng huyết áp, suy tim nhịp nhanh điều trị cũng khá lâu với con số huyết áp và nhịp tim ổn định. Bỗng có 1 đợt bệnh nhân mệt và nhịp tim nhanh lên, huyết áp tăng vọt không khống chế được bằng liều thông thường. Bệnh nhân khẳng định uống thuốc đều không bỏ ngày nào. Tôi chột dạ chẳng nhẽ đến giai đoạn kháng thuốc. Mãi sau tìm hiểu, bệnh nhân mới lộ ra có người nhà đi nước ngoài mua biếu hộp hồng sâm uống cho bổ.

Hồng sâm nói chung ngoài lý luận đông y rất dài, thì nó có tác dụng cường giao cảm, có thể gây tăng nhịp tim và khó ngủ ở 1 số người. Sau khi ngừng uống, thì triệu chứng lại hết.

Một ngày đẹp trời, bệnh nhân vốn hiếm muộn, uống thuốc của cụ lang mãi mới có được cái thai vài tháng đến nhà chơi. Nói chuyện hết sức vui vẻ, rồi có than phiền họ hàng quý quá nên suốt ngày hầm gà thuốc bắc cho ăn, thuốc mua ở nơi uy tín lắm. Ăn được 2 gói thì lẩm nhẩm đau bụng nhưng không rối loạn tiêu hoá. Mọi người bảo tốt tốt không sao đâu thuốc bổ nó thế.

Đến khi tôi kiểm tra gói thuốc thì trong đó có vị đương quy, vốn là vị thuốc bổ chuyên dùng để dành cho người ốm và suy dinh dưỡng uống. Nó kích thích ăn uống và tuần hoàn máu. Đồng thời có thể gây cơn co thắt cơ trơn, trong đó có cơ tử cung.

May là bệnh nhân ngừng kịp thời không thì công sức bao năm biến mất. Hú vía.

Qua đó thấy rằng, ngay cả các vị thuốc bổ, cũng có tác dụng nhất định. Chúng không phải thần dược, nên muốn dùng cần phải tham khảo kỹ càng các nhà chuyên môn chân chính.

Chưa kể bệnh nhân suy gan suy thận thì chính bát thuốc sắc có bao nhiêu chất trong ấy sẽ làm cái gan suy nhanh hơn, cái thận suy nhanh hơn nếu không được kiểm soát cẩn thận. Vậy nên, các bác sĩ đông y được đào tạo bài bản và chân chính luôn cẩn trọng trong điều trị chứ không làm thần y chữa bách bệnh được.

Đông y, vốn không phải thứ lý luận thực dưỡng, cân bằng âm dương con khỉ con tườu gì đâu. Mà nó là khoa học cả. Người có hiểu biết dùng càng thận trọng chứ không chém đinh chặt sắt như các thánh mọc đầy trên mạng. Ngay cả các bài báo từ các chuyên mục sức khoẻ không phải cơ quan ngôn luận chính thức ấy mà, cũng đừng vội tin và chia sẻ các cái. Kẻo, vui mồm lại xuống hố đấy.

Nguồn: Bs. Hung Ngo