Bệnh của mùa hè ở trẻ nhỏ: Những bệnh thường xảy ra và cách phòng ngừa

0
1197
Bệnh mùa hè ở trẻ
Bệnh mùa hè ở trẻ

Hiện chúng ta đang phải đối mặt vào mùa nắng nóng đỉnh điểm. Những đợt nắng nóng bức xạ nhiệt cao khiến cho chúng ta vô cùng khó chịu, ảnh hưởng đến sức khoẻ, nhất là đối với trẻ con. Mình sẽ viết dưới ngôn ngữ bình dân và đi thằng vào vấn đề cho những người không trong ngành y dược có thể hiểu được, mời bạn tham khảo bài viết.

Contents

Nhiệt độ cao tác động vào cơ thể người như thế nào?

Nhiệt độ cơ thể của chúng ta dao động trong ngưỡng 36 – 37.5 độ C giúp cho các hoạt động trao đổi chất trong cơ thể chúng ta được thực hiện tốt nhất. Do đó khi nhiệt độ cao, cơ thể của chúng ta sẽ điều hoà lại bằng nhiều cách như tiết nhiều mồ hôi hơn, tăng nhịp thở, dãn mạch máu dưới da nhằm giảm nhiệt độ trên da và nhiệt độ trong cơ thể. Do đó chuyện bé hay đổ mồ hôi nhất là trong mùa này là điều vô cùng bình thường các bố mẹ nhé!

Nhiệt độ cao ảnh hưởng tới cơ thể bé như thế nào?
Nhiệt độ cao ảnh hưởng tới cơ thể bé như thế nào?

Vậy bệnh gì thường xảy ra cho bé vào mùa nắng nóng này?

Sốc nhiệt khi trẻ ở ngoài trời nóng quá lâu trong thời tiết nắng nóng. Thân nhiệt trẻ cao lên, da nóng đỏ khô, nhịp tim trẻ tăng lên, trẻ mệt mỏi, buồn nôn, thở nhanh, lừ đừ có thể dẫn đến hôn mê. Trong trường hợp bé bị sốc nhiệt cần đưa trẻ ra khỏi môi trường có nhiệt độ cao, cởi bỏ quần áo, đắp khăn mát lên người trẻ. Cho trẻ uống nước nếu trẻ có thể uống được. Hồi sức tim phổi nếu trẻ không tỉnh và không thở. Nhớ đưa trẻ đến cơ sở y tế kiểm tra sau đó.

Nhiễm siêu vi, nhất là siêu vi đường hô hấp. Đây là thời điểm mà các loại virus và vi khuẩn đường hô hấp tha hồ hoành hành. Sự thay đổi nhiệt độ bất thường ngoài trời nóng và trong phòng lạnh, quạt trực tiếp vào cơ thể là các yếu tố thuận lợi khiến bệnh đường hô hấp thường xuyên xảy ra. Trẻ sẽ thường có biểu hiện sốt, ho, chảy mũi.

Nhiễm siêu vi, nhất là siêu vi đường hô hấp
Nhiễm siêu vi nhất là siêu vi đường hô hấp dễ xảy ra vào mùa hè ở trẻ

Bệnh về đường tiêu hoá: thời tiết nóng bức là điều kiện cho thức ăn có thể lên men, ôi thiu và là môi trường cho đường tiêu hoá hoạt động. Do đó nếu không được ăn chín uống sôi đúng cách dễ mắc bệnh nhiễm trùng tiêu hoá, biểu hiện bằng nôn ói, tiêu chảy, chướng bụng, đôi khi dẫn đến các biến chứng nặng.

Ngoài ra các bệnh lý sốt xuất huyết, thuỷ đậu hay tay chân miệng cũng rất dễ xảy ra trong mùa hè này.

Thời tiết nóng ẩm, kèm bụi ô nhiễm là điều kiện để các bệnh về da phát triển. Thường gặp nhất là mụn nhọt, nhiễm trùng da, cơn bùng phát của các bé viêm da cơ địa.

Vậy cách phòng ngừa cho các bé ra sao ?

Đầu tiên, phải chú ý cho bé đi chích ngừa các bé đầy đủ, như cúm, thuỷ đậu, sởi quai bị rubella,…. Đó là cách giúp phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất đối với trẻ.

Tránh sốc nhiệt phải hạn chế cho bé tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng khi đi ra đường. Sử dụng các quần áo chống nắng, đội nón, đeo kính, khẩu trang khi cho bé đi ra đường. Không cho trẻ hoạt động quá lâu trong thời tiết nóng. Mặc quần áo thoáng và sáng màu.

Tránh sốc nhiệt phải hạn chế cho bé tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng khi đi ra đường
Tránh sốc nhiệt phải hạn chế cho bé tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng khi đi ra đường

Cung cấp đủ nước để bù lại lượng nước mất qua mồ hôi và hơi thở. Nước ở đây có thể là sữa, là nước trái cây, là canh hoặc nước khoáng. Chúng ta có thể bổ sung nước oresol để cung cấp thêm điện giải và năng lượng. Tuỳ theo độ tuổi mà chúng ta có thể chọn loại dịch phù hợp cho trẻ. Đừng uống nhiều quá một lúc, mà nên cho uống thành nhiều lần, nên cho trẻ uống ngay cả khi trẻ không cảm thấy khát.

Thực hiện ăn chín uống sôi để hạn chế lây nhiễm bệnh qua đường tiêu hoá. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng cường dinh dưỡng, nên ăn nhiều rau và trái cây. Hạn chế đồ ăn chiên xào, nấu ăn vừa đủ để ăn hết trong ngày chứ đừng để thức ăn qua ngày hôm sau sẽ dễ bị hư.

Đừng để nhiệt độ trong phòng quá thấp, chênh lệch nhiệt độ bên ngoài và trong phòng đừng quá cao. Nếu dùng quạt thì đừng cho quạt thổi trực tiếp vào người trẻ vì dễ gây viêm nhiễm đường hô hấp.

Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay đặc biệt trước khi ăn, sau khi chơi, sau khi đi vệ sinh. Giúp trẻ vệ sinh răng miệng mỗi ngày.

Chúc cả nhà chúng ta sẽ có một mùa hè vui vẻ và khoẻ mạnh!

Bác sĩ Hoàng Quốc Tưởng