Đánh giá bằng chứng sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp và nguy cơ ung thư

0
1540
Thuốc điều trị tăng huyết áp và nguy cơ ung thư
Thuốc điều trị tăng huyết áp và nguy cơ ung thư

Khả năng thuốc trị tăng huyết áp làm tăng nguy cơ ung thư là vấn đề gây tranh cãi suốt những năm qua.1,2 Nhiều nghiên cứu khác nhau chỉ ra rằng những loại thuốc điều trị tăng huyết áp (ví dụ: hydroclorothiazide, thuốc ức chế men chuyển angiotensin [ACEI] …) làm tăng nguy cơ ung thư. Valsartan và các thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ARB) khác đang được thu hồi vì nhiễm chất có khả năng gây ung thư.3 Bài viết này tổng hợp những dữ liệu hiện có về nguy cơ ung thư ở bệnh nhân sử dụng thuốc trị tăng huyết áp.

Contents

I. Thuốc bị nhiễm tạp chất

N-nitrosodimethylamine (NDMA) được tìm thấy trong nhiều thuốc nhóm ARB. Dựa trên các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và trên động vật, tổ chức y tế thế giới (WHO) cảnh báo NDMA có “khả năng cao gây ung thư cho người, ngay cả ở mức phơi nhiễm tương đối thấp”.4

Nhiều thuốc bị nhiễm tạp đã được thu hồi, tuy nhiên thông báo về việc thu hồi vẫn còn tiếp tục vì phát sinh thêm nhiều thuốc được xác định có chứa chất này.3                   

FDA tính toán rằng cần 8.000 bệnh nhân sử dụng thuốc valsartan với liều 320 mg/ngày trong 4 năm để tăng thêm một ca ung thư so với những bệnh nhân không sử dụng valsartan.5

Một nghiên cứu đoàn hệ ở Đan Mạch bao gồm 5.000 bệnh nhân sử dụng thuốc valsartan với trung vị thời gian điều trị là 4,6 năm. Các nhà nghiên cứu chưa phát hiện khả năng tăng tổng nguy cơ ung thư nhưng thừa nhận rằng cần phải theo dõi lâu hơn để đánh giá đầy đủ nguy cơ ung thư lâu dài.6

II. Ung thư và thuốc trị tăng huyết áp

Một phân tích tổng hợp về nguy cơ ung thư ở bệnh nhân sử dụng thuốc trị tăng huyết áp được tiến hành trên 324.168 bệnh nhân từ 70 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng. Kết quả cho thấy nguy cơ ung thư không tăng ở bệnh nhân sử dụng ARB, ACEI, thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh canxi hay thuốc lợi tiểu khi so sánh với các giả dược.2

1. Thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ARB)

Một phân tích tổng hợp năm 2010 tiến hành trên 61.590 bệnh nhân từ 5 thử nghiệm cho rằng nguy cơ ung thư tăng ít nhưng có ý nghĩa thống kê, ở mức 1,2% trong vòng 4 năm trên những bệnh nhân sử dụng ARB (85,7% bệnh nhân sử dụng telmisartan) so với nhóm chứng.  Tuy nhiên, chưa rõ ý nghĩa lâm sàng, đặc biệt khi so sánh với nguy cơ ung thư ước lượng trọn đời là 41%. Dữ liệu cá nhân của bệnh nhân cũng không được nhắc đến trong phân tích này (ví dụ: giới tính, tuổi, tình trạng hút thuốc..).8 Phần lớn dữ liệu đã sử dụng là dữ liệu sơ bộ được thu thập từ cơ sở dữ liệu của FDA.9

Một phân tích tổng hợp sau đó nghiên cứu tỷ lệ mắc bệnh ung thư trên 138.769 bệnh nhân sử dụng ARB từ 15 thử nghiệm. Kết quả: chưa phát hiện tăng nguy cơ ung thư có ý nghĩa thống kê ở bệnh nhân sử dụng ARB.9

2. Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACEI)

Các nghiên cứu khác nhau cho những kết quả không đồng nhất về mối liên hệ giữa ACEI và khả năng tăng nguy cơ ung thư.7,10

Các nghiên cứu này có nhiều hạn chế như: thời gian theo dõi ngắn, nhóm so sánh không thích hợp, có các yếu tố gây nhiễu,…7 Nhiều dữ liệu lấy từ phân tích hậu kiểm của các thử nghiệm điều trị tăng huyết áp thay vì thử nghiệm sử dụng ung thư làm tiêu chí định trước.10

Có nghiều giả thuyết về khả năng tăng nguy cơ ung thư của thuốc ACEI. ACEI gây tích luỹ bradykinin và chất P trong phổi. Bradykinin kích thích sự phát triển của ung thư phổi và thụ thể của bradykinin được tìm thấy trên nhiều tế bào ung thư khác nhau trong đó có ung thư phổi. Chất P được biểu hiện trên tế bào ung thư phổi và có liên quan đến sự tăng sinh khối u và hình thành mạch máu nuôi khối u.7 Ngược lại với các giả thuyết này, sự phát triển khối u cần có sự hình thành mạch máu mới vốn được kích thích bởi angiotensin II. ACEI hoặc ARB làm giảm hoạt tính của angiotensin II, do đó có thể làm giảm nguy cơ ung thư.8

Một nghiên cứu đoàn hệ theo dõi gần 1 triệu bệnh nhân mới được điều trị với thuốc trị tăng huyết áp. Thời gian theo dõi trung bình là 6,4 năm. Sau 5 năm, có sự liên quan giữa những bệnh nhân sử dụng ACEI và tăng nguy cơ ung thư phổi so nhóm bệnh nhân sử dụng ARB. Mối liên hệ này càng rõ hơn ở những bệnh nhân sử dụng ACEI trong hơn 10 năm.7 Tuy nhiên nghiên cứu này có nhiều hạn chế như không cân nhắc các yếu tố khác biệt về điều kiện kinh tế xã hội, tiền sử gia đình, phơi nhiễm môi trường (radon, amiang,..), đang hút thuốc hoặc đã từng hút thuốc, bệnh nhân dùng ACEI được kiểm tra phổi nhiều hơn do bị ho – tác dụng phụ của nhóm ACEI và việc sử dụng các ACEI khác nhau.10

3. Thuốc lợi tiểu hydrochlorothiazide (HCTZ)

Có nhiều bằng chứng gây tranh cãi về mối liên hệ giữa HCTZ và ung thư da.

Một nghiên cứu bệnh-chứng ở Đan Mạch  so sánh 633 trường hợp ung thư biểu mô tế bào vảy ở môi với nhóm chứng. Nhóm nghiên cứu kết luận rằng có mối liên quan mật thiết giữa việc sử dụng HCTZ và tăng nguy cơ ung thư môi, đặc biệt ở liều tích luỹ lớn mối liên quan này càng rõ ràng hơn.12

Nhóm nghiên cứu này cũng tiến hành một nghiên cứu bệnh-chứng khác theo dõi  80.182 ca ung thư da không phải tế bào hắc tố (cả ung thư biểu mô tế bào đáy và ung thư biểu mô tế bào vảy nhưng không bao gồm trường hợp ung thư môi). Nghiên cứu này tìm thấy có mối liên hệ giữa việc sử dụng HCTZ và tăng nguy cơ ung thư da không phải tế bào hắc tố nhưng không có ý nghĩa thống kê.11 Nghiên cứu thứ ba được công bố như một báo cáo ngắn gọn, có mối liên hệ tương tự giữa việc sử dụng HCTZ và nguy cơ nguy thư da tế bào hắc tố ác tính.13

Hạn chế của những nghiên cứu này là không đề cập đến các yếu tố nguy cơ gây ung thư da như thời gian tiếp xúc ánh sáng, sắc tố da, tiền sử gia đình,…11,12

HCTZ là một tác nhân gây nhạy cảm ánh sáng. Bệnh nhân nên tránh tiếp xúc với ánh sáng và sử dụng kem chống nắng phổ rộng. 

III. Kết luận

Đã có nhiều bằng chứng thuyết phục về trị liệu tăng huyết áp. Sử dụng thuốc trị tăng huyết áp đã được chứng minh là giúp giảm nguy cơ đột quỵ và các biến cố tim mạch khác (chứng cứ mức độ cao nhất).

Thuốc trị tăng huyết áp vẫn chưa được chứng minh là gây tăng nguy cơ ung thư. Những chứng cứ hiện nay còn nhiều tranh cãi và chỉ đề xuất về mối liên hệ (chứ không phải mối liên hệ nhân quả) giữa thuốc trị tăng huyết áp và tăng nguy cơ ung thư.2,7-9,11-13

Nên tránh sử dụng valsartan và các ARB khác đã bị thu hồi. Tiếp tục khuyến cáo sử dụng các thuốc điều trị tăng huyết áp đã được chứng minh là cải thiện kết quả điều trị bao gồm ARB, ACEI và HCTZ.

Tài liệu tham khảo

  1. Lindholm LH, Carlberg B. Blood-pressure drugs and cancer: much ado about nothing? (Comment). Lancet Oncol 2011;12:6-8.
  2. Bangalore S, Kumar S, Kjeldsen SE, et al. Antihypertensive drugs and risk of cancer: network meta-analysis and trial sequential analyses of 324,168 participants from randomized trials. Lancet Oncol 2011;12:65-82.
  3. FDA. Valsartan products under recall – updated November 27, 2018. https://www.fda.gov/downloads/Drugs/DrugSafety/UCM615703.pdf. (Accessed December 4, 2018).
  4. World Health Organization. N-Nitrosodimethylamine. 2002. http://www.who.int/ipcs/publications/cicad/en/cicad38.pdf. (Accessed December 4, 2018).
  5. FDA. Questions and answers: impurities found in certain generic angiotensin II receptor blocker (ARB) products. November 23, 2018. https://www.fda.gov/Drugs/DrugSafety/ucm626122.htm. (Accessed December 4, 2018).
  6. Pottegard A, Kristensen KB, Ernst MT, et al. Use of N-nitrosodimethylamine (NDMA) contaminated valsartan products and risk of cancer: Danish nationwide cohort study. BMJ 2018 Sept 12. doi: 10.1136/bmj.k3851.
  7. Hicks BM, Filion KB, Yin H, et al. Angiotensin converting enzyme inhibitors and risk of lung cancer: population-based cohort study. BMJ 2018 Oct 24. doi: 10.1136/bmj.k4209.
  8. Sipahi I, Debanne SM, Rowland DY, et al. Angiotensin-receptor blockade and risk of cancer: meta-analysis of randomized controlled trials. Lancet Oncol 2010;11:627-36.
  9. ARB Trialists Collaboration. Effects of telmisartan, irbesartan, valsartan, candesartan, and losartan on cancers in 15 trials enrolling 138,769 individuals. J Hypertens 2011;29:623-35.
  10. Cronin-Fenton D. Angiotensin converting enzyme inhibitors and lung cancer (editorial). BMJ 2018 Oct 24. doi: 10.1136/bmj.k4337.
  11. Pedersen SA, Gaist D, Schmidt SAJ, et al. Hydrochlorothiazide use and risk of nonmelanoma skin cancer: a nationwide case-control study from Denmark. J Am Acad Dermatol 2018;78:673-81.
  12. Pottegard A, Hallas J, Olesen M, et al. Hydrochlorothiazide use is strongly associated with risk of lip cancer. J Intern Med 2017;282:322-31.
  13. Pottegard A, Pedersen SA, Schmidt SAJ, et al. Association of hydrochlorothiazide use and risk of malignant melanoma (letter). JAMA Int Med 2018;178:1120-2.