CẬP NHẬT THÔNG TIN AN TOÀN CỦA MỘT SỐ THUỐC

0
1961

alydarpharma.com xin giới thiệu tới các bạn “Bản tin thông tin thuốc” mới nhất của bệnh viên Bạch Mai về cập nhật thông tin an toàn của một số thuốc ở bài viết dưới đây.

Contents

Hội chứng truyền propofol

Ngày 26/9/2018, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Pháp (ANSM) đã nhận được báo cáo về 2 trường hợp gặp hội chứng truyền propofol dẫn đến tử vong xảy ra trong vòng 1 tháng ở một đơn vị hồi sức.

Hội chứng truyền propofol là tác dụng hiếm gặp và được biết đến khi sử dụng thuốc này với tác dụng an thần trong các đơn vị điều trị tích cực. Tuy nhiên, sau các trường hợp tử vong mới đây, ANSM cùng với Hiệp hội Gây mê hồi sức Pháp (SFAR), Hiệp hội Hồi sức các nước nói tiếng Pháp (SRLF) và Nhóm Hồi sức cấp cứu nhi khoa cộng đồng Pháp ngữ (GFRUP) đã có cảnh báo cho các bác sỹ gây mê hồi sức và điều trị tích cực về hội chứng này, các yếu tố nguy cơ và biện pháp quản lý.

Định nghĩa và các yếu tố nguy cơ

Propofol là thuốc gây mê tĩnh mạch, tác dụng nhanh, được sử dụng trong khởi mê, duy trì nói chung và an thần tại các đơn vị điều trị tích cực. ở một số bệnh nhân, sử dụng propofol với tác dụng an thần trong các đơn vị điều trị tích cực có thể liên quan đến rối loạn chuyển hóa, suy đa tạng, là đặc trưng của hội chứng truyền propofol và có khả năng gây tử vong.

Hội chứng này có thể xảy ra với các dấu hiệu như sau: nhiễm toan chuyển hóa, tiêu cơ vân, tăng kali máu, suy gan, suy thận, tăng lipid máu, rối loạn nhịp tim, hội chứng Brugada (điện tâm đồ ST chênh lên dạng vòm), suy tim tiến triển nhanh không đáp ứng điều trị với một số thuốc tác động đến co bóp cơ tim (ví dụ digoxin, amiodaron…).

Trong y văn, tổn thương não bộ nghiêm trọng (trên nhân xám) cũng đã được báo cáo đi kèm với hội chứng chuyển hóa ở một bệnh nhân chỉ sau 3 giờ phẫu thuật được gây mê bằng propofol đường tĩnh mạch.

Đến nay, một số yếu tố nguy cơ đã được xác định bao gồm: trẻ tuổi (propofol chống chỉ định cho bệnh nhân dưới 16 tuổi trong an thần liên tục tại đơn vị điều trị tích cực), giảm cung cấp lượng carbohỵdrat (bệnh nhân nhịn ăn trước phẫu thuật), dùng đồng thời với metformin, giảm cung cấp oxy mô, tổn thương thần kinh nghiêm trọng và/ hoặc nhiễm trùng huyết, đang sử dụng liều cao một hoặc nhiều thuốc sau đây: thuốc co mạch, corticosteroid, thuốc làm tăng co bóp cơ tim hoặc sử dụng propofol với liều > 4 mg/kg/giờ trong thời gian dài > 48 giờ. Đôi khi hội chứng truyền propofol có thể là dấu hiệu của bệnh lý ty thể.

Hai trường hợp gần đây được báo cáo về hội chứng này tới ANSM với một số yếu tố nguy cơ kể trên: có tổn thương thần kinh, sử dụng propofol với liều > 4 mg/kg/giờ trong thời gian kéo dài > 48 giờ, sử dụng đồng thời noradrenalin liều cao, trong đó có 1 bệnh nhân dưới 16 tuổi.

Chẩn đoán, theo dõi và xử trí

Hội chứng truyền propofol dễ bị bỏ qua vì hội chứng này có thể xảy ra khi truyền propofol trong thời gian ngắn (bao gồm quá trình gây mê trong một vài giờ), hoặc các biểu hiện lâm sàng của hội chứng này đôi khi không đặc hiệu. Do đó, khi diễn biến huyết động xấu đi hoặc xuất hiện nhiễm toan chuyển hóa (nhiễm toan lactic) không giải thích được bởi tình trạng lâm sàng của bệnh nhân đang dùng propofol, thì cần nghĩ đến hội chứng truyền propofol.

Khi nghi ngờ xuất hiện hội chứng này, cần ngừng propofol càng sớm càng tốt và thay thế bằng các thuốc an thần kinh khác, phần lớn bệnh nhân sẽ có diễn biến lâm sàng tốt hơn nếu hội chứng này được xác định sớm và dừng propofol ngay lập tức.

Khi phải truyền propofol trong thời gian dài hoặc dùng liều cao cần theo dõi điện tâm đồ, giám sát khí máu động mạch, định lượng lactat, creatin kinase (CK) và triglycerid máu.

Canagliflozin, dapagliflozin, empagliflozin, ertugliflozin và nguy cơ nhiễm khuẩn sinh dục hiếm gặp

Ngày 29/8/2018, Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) cảnh báo nguy cơ nhiễm khuẩn vùng sinh dục hiếm gặp nhưng nghiêm trọng đã được ghi nhận liên quan đến sử dụng các thuốc ức chế đồng vận chuyển natri – glucose (SGLT2) trong điều trị đái tháo đường typ 2. Tình trạng này được gọi là viêm mô hoại tử vùng đáy chậu hay hoại tử Fournier (Fournier’s gangrene). FDA đang yêu cầu bổ sung cảnh báo về nguy cơ trên vào thông tin kê đơn của tất cả các thuốc ức chế SGLT2 và hướng dẫn dành cho bệnh nhân.

FDA khuyến cáo các bác sỹ nên cân nhắc khả năng xuất hiện hoại tử Fournier khi xuất hiện các biểu hiện của bệnh. Nếu nghi ngờ gặp nhiễm khuẩn này cần bắt đầu điều trị ngay bằng kháng sinh phổ rộng và phẫu thuật nếu cần thiết. Đồng thời, ngừng dùng thuốc ức chế SGLT2, theo dõi chặt đường huyết và áp dụng biện pháp điều trị thay thế phù hợp để kiểm soát đường huyết.

Tại Bệnh viện Bạch Mai hiện đang lưu hành 01 biệt dược Forxiga 10mg có hoạt chất là dapagliflozin.

Dịch truyền hydroxyethyl starch (HES): kết luận của EMA về giảm thiểu nguy cơ

Ngày 29/6/2018, Nhóm điều phối thuốc sử dụng trên người được phê duyệt theo quy trình không tập trung và thừa nhận lẫn nhau (Coordination Group for Mutual Recognition and Decentralised Proce- dures – Human – CMDh) của Cơ quan quản lý Dược phẩm Châu Âu (European Medicines Agency – EMA) đã đưa ra các khuyến cáo mới nhằm giảm thiểu nguy cơ liên quan đến việc sử dụng dịch truyền HES. Theo đó, dịch truyền HES được sử dụng để thay thế huyết tương sau mất máu cấp khi dịch truyền tinh thể không đem lại hiệu quả đầy đủ.

Khuyến cáo đối với cán bộ y tế:

– Chống chỉ định HES trên bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn, bệnh nhân nặng do nguy cơ tổn thương thận và tử vong.

– Chống chỉ định HES trên bệnh nhân suy thận hoặc đang sử dụng liệu pháp thay thế thận. Ngừng sử dụng dịch truyền HES ngay khi xuất hiện dấu hiệu đầu tiên của tổn thương thận. Đã ghi nhận trường hợp cần phải điều trị thay thế thận sau khi sử dụng HES. Cân nhắc giám sát chức năng thận của bệnh nhân sau khi sử dụng dịch truyền này.

– Chỉ sử dụng HES để bồi phụ tuần hoàn do mất máu cấp khi các dịch truyền tinh thể đơn độc không đủ hiệu quả. Không sử dụng HES với mục đích duy trì thể tích tuần hoàn.

– Giới hạn sử dụng HES ở giai đoạn ban đầu hồi sức thể tích tuần hoàn với thời gian tối đa là 24 giờ. Theo dõi huyết động liên tục trong thời gian sử dụng HES và ngừng ngay dịch truyền này khi đạt được các mục tiêu huyết động.

– Đánh giá cẩn thận lợi ích của việc điều trị so với những nguy cơ liên quan đến việc sử dụng dài hạn HES.

– Cân nhắc các phác đồ điều trị thay thế HES trong thực hành lâm sàng thường quy dựa trên các hướng dẫn lâm sàng hiện có.

Dịch truyền HES đã được Cục Quản lý Dược cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam, với các loại nồng độ/hàm lượng khác nhau. Năm 2014, Cục Quản lý Dược cũng đã có công văn số 11039/QLD- ĐK ngày 30/6/2014 thông báo cập nhật thông tin dược lý đối với dịch truyền HES. Theo đó, không sử dụng dịch truyền HES cho bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết, tổn thương do bỏng hoặc bệnh nhân nặng theo khuyến cáo của EMA. Đến nay, các Cơ quan Quản lý Dược phẩm khác trên thế giới, bao gồm cả Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) vẫn chưa có động thái nào khác liên quan đến HES.

Hydroclorothiazid: cảnh báo nguy cơ ung thư da

Ngày 06/11/2018, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Pháp (ANSM) cảnh báo nguy cơ ung thư da liên quan đến các thuốc có chứa hydroclorothiazid (HCTZ). Khi kê đơn các thuốc này, các bác sỹ cần lưu ý các vấn đề sau:

– Các nghiên cứu dịch tễ dược học cho thấy liều tích lũy HCTZ có liên quan đến nguy cơ ung thư da không u sắc tố (ung thư biểu mô tế bào đáy, ung thư biểu mô tế bào vảy).

– Bệnh nhân dùng HCTZ đơn độc hoặc kết hợp với các thuốc khác nên được tư vấn về nguy cơ trên và cần thường xuyên theo dõi và thông báo lại cho bác sỹ về tất cả các tổn thương mới hoặc nặng hơn trên da.

– Khuyến cáo bệnh nhân đi khám khi nghi ngờ có tổn thương da, sinh thiết (nếu cần) để chẩn đoán mô bệnh học.

– Khuyến cáo bệnh nhân được hạn chế tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và tia uv và có biện pháp bảo vệ thích hợp khi tiếp xúc với ánh nắng để giảm nguy cơ ung thư da.

– Thận trọng khi sử dụng HCTZ ở những bệnh nhân có tiền sử ung thư da.

Metformin: khuyến cáo liên quan đến suy thận

Ngày 18/11/2017, Cục Quản lý Dược có công văn số 18366/QLD-ĐK về việc cập nhật hướng dẫn sử dụng đối với thuốc chứa hoạt chất metformin điều trị đái tháo đường tuýp 2, trong đó có nhấn mạnh các khuyến cáo sử dụng metformin trên bệnh nhân suy thận như sau:

– Đánh giá chức năng thận trước khi khởi đầu điều trị với metformin và đánh giá định kỳ sau đó.

– Chống chỉ định metformin trên bệnh nhân có mức lọc cầu thận ước tính (MLCT) dưới 30 mL/phút.

– Không khuyến cáo khởi đầu điều trị với metformin ở bệnh nhân cỏ MLCT nằm trong khoảng 30-45 mưphút.

– Ở bệnh nhân đang sử dụng metformin có MLCT giảm xuống dưới 45 mL/phút, cần đánh giá nguy cơ – lợi ích để quyết định có tiếp tục điều trị hay không.

– Ngừng sử dụng metformin nếu MLCT giảm xuống dưới 30 mL/phút.

– Ngừng sử dụng metformin khi thực hiện xét nghiệm chấn đoán hình ảnh có sử dụng thuốc cản quang chứa iod (ví dụ Xenetix, Ultravist,…): cần ngừng metformin trước hoặc tại thời điểm thực hiện xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh cỏ sử dụng thuốc cản quang chứa Iod với những bệnh nhân có MLCT nằm trong khoảng từ 30-60 mL/phút, bệnh nhân có tiền sử bệnh lý về gan, nghiện rượu hoặc suy tim, hoặc những bệnh nhân sẽ sử dụng thuốc cản quang chứa iod qua đường động mạch. Đánh giá lại MLCT sau khi chụp 48 giờ, sử dụng lại metformin khi chức năng thận đã ổn định.

Tài liệu tham khảo

  1. American Society for Gastrointestinal Endoscopy (2004). “Training guideline for use of propofol in gastrointestinal endoscopy. Gastrointest”. Endosc. 60:167-172.
  2. Aisenberg J, Brill JV, Ladabaum u, Cohen LB. (2005) “Sedation for gastrointestinal endoscopy: new practices, new economics”. Am J Gastroenterol. ;100:996-1000.
  3. ASGE Standards of Practice Committee, Early, D.S., Lightdale, J.R., et at. (2018). “Guidelines for sedation and anesthesia in Gl endoscopy”. Gastrointest. Endosc. 87: 327-337.
  4. McQuald KR, Lame L. (2008) “A systematic review and meta-analysis of randomized, controlled trials of moderate sedation for routine endoscopic procedures”. Gastrointest Endosc.,67:910-923.
  5. Smith I, White PF, Nathanson M, Gouldson R. (1994) “Propofol. An update on its clinical use”. Anesthesiology. ;81:1005-1043.
  6. Thông tin kê toa thuốc Diprivan 1%. The electronic Medicines Compendium (eMC). https://www.medicines.org.uk/emc Ngày truy cập: 29/05/2018.
  7. American Society of Health-System Pharmacists. AHFS Drug Information, https://about.medicinescomplete.com/publication/ahfs-drug-informatlon/ Ngày truy cập: 29/05/2018.
  8. British Medical Association. Bntish National Formulary (MedlcinesComplete). https://about.medlcinescomplete.com/publication/brltish-natlonal-formulary/ Ngày truy cập: 29/05/2018.
  9. British Medical Association. British National Formulary for Children (MedlcInesComplete). https://about.medicinescomplete.com/publlcation/british-national-formulary-for-children/ Ngày truy cập: 29/05/2018.
  10. Micromedex 2.0. https://www.micromedexsolutions.com/home/dispatch Ngày truy cập: 29/05/2018.