Tổng quan hội chứng thắt lưng – hông

0
1555
Điều trị hội chứng thắt lưng - hông bằng kết hợp nhiều phương pháp an toàn và đạt hiệu quả cao.

Hội chứng thắt lưng – hông là hội chứng của nhiều bệnh như viêm rễ thắt lưng cùng, viêm khớp cột sống, thoái hoá cột sống, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, đau thần kinh hông to…

Contents

KHÁI NIỆM

Hội chứng thắt lưng – hông (HCTLH) là một khái niệm lâm sàng, bệnh cảnh gồm có các triệu chứng bệnh lý của cột sống thắt lưng và bệnh lý của dây thần kinh hông to (dây thần kinh toạ). Bệnh được biểu hiện bằng hiện tượng đau ở vùng thắt lưng được giới hạn từ ngang đốt sống thắt lưng L1 phía trên đến đĩa đệm đốt sống thắt lưng L5-S1 ở phía dưới, đau lan xuống chân, là hội chứng của nhiều bệnh như viêm rễ thắt lưng cùng, viêm khớp cột sống, thoái hoá cột sống, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, đau thần kinh hông to…

Điều trị hội chứng thắt lưng - hông bằng kết hợp nhiều phương pháp  an toàn và đạt hiệu quả cao.DỊCH TỄ HỌC

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhiều nhất là ở lứa tuổi 30 – 60 tuổi, tỷ lệ nam mắc nhiều hơn nữ. Mang vác và lao động nặng ở tư thế sai, gò bó, rung xóc, chấn thương, các động tác thay đổi tư thế đột ngột… là những yếu tố thường xuyên dẫn tới khởi phát bệnh.
Trên thế giới, các nghiên cứu dịch tễ về HCTLH đã được quan tâm từ vài chục năm nay. Malcolm I.V.Jayson đã tổng kết: cuối thể kỷ XX, tỷ lệ bệnh tăng lên ở hầu hết các khu vực trên thế giới, đặc biệt ở những nước có điều kiện kinh tế xã hội thấp; Theo Deyo R.A và cộng sự trong nghiên cứu mới đây đã khẳng định: 75% tổng số người trên 16 tuổi bị đau thắt lưng ít nhất một lần trong đời. Các tác giả đồng thời cũng đưa ra nhận xét: tỷ lệ đau thắt lưng tương đương ở hai giới, cao nhất ở nhóm tuổi 30 – 50. Đau thắt lưng là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tàn phế ở tuổi dưới 45.
Tại Việt Nam, theo thống kê điều tra của Trần Ngọc Ân và cộng sự, HCTLH là một hội chứng thường gặp ở nước ta, bệnh chiếm 2% dân số và chiếm 17% số người trên 60 tuổi, bệnh chiếm tỷ lệ 41,45% trong nhóm bệnh thần kinh cột sống và là một trong 15 bệnh cơ xương khớp hay gặp nhất.

NGUYÊN NHÂN

Căn cứ vào tổn thương và biểu hiện trên lâm sàng, HCTLH được chia thành 2 nhóm nguyên nhân gây bệnh chính:
– Nguyên nhân tại cột sống: Gồm nhiều nguyên nhân, trong đó có nhóm nguyên nhân có nguồn gốc từ đĩa đệm như: thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống gây chèn ép vào tủy hay rễ sống; bệnh lý rối loạn thăng bằng của hệ thống cơ cột sống, bệnh lý thoái hóa hệ thống dây chằng cạnh sống, loãng xương, bệnh lý do bất thường bẩm sinh của cột sống, viêm nhiễm, khối u,… và các tổn thương cột sống thắt lưng do chấn thương hoặc phẫu thuật.
– Nguyên nhân ngoài cột sống: Khi nghiên cứu các nguyên nhân ngoài cột sống, các tác giả thấy rằng tổn thương các tạng trong, ngoài ổ bụng và tiểu khung có thể dẫn tới HCTLH như các bệnh thận tiết niệu, bệnh đường sinh dục, đường tiêu hóa,…

CHẨN ĐOÁN

Cùng với sự phát triển không ngừng của y học, ngày nay việc chẩn đoán bệnh và nguyên nhân bệnh đã trở nên đơn giản và thuận tiện. Bên cạnh việc thăm khám lâm sàng, sự hỗ trợ của các phương pháp cận lâm sàng mà đặc biệt là chẩn đoán hình ảnh đã tạo điều kiện giúp đỡ người thầy thuốc có được thông tin chính xác để chẩn đoán bệnh và nguyên nhân gây bệnh cũng như đưa ra các biện pháp điều trị phù hợp và hiệu quả.

ĐIỀU TRỊ

Điều trị HCTLH được dựa trên cơ sở tìm và giải quyết nguyên nhân kết hợp điều trị triệu chứng và phục hồi chức năng. Việc điều trị nguyên nhân có thể bằng phẫu thuật hoặc các phương pháp điều trị bảo tồn dựa vào việc dùng thuốc phối hợp với vật lý trị liệu và phục hồi chức năng. Các thuốc sử dụng thông thường như: thuốc chống viêm steroid, non steroid; thuốc giãn cơ; các vitamin nhóm B và kết hợp với các phương pháp điều trị không dùng thuốc như kéo giãn cột sống, vật lý trị liệu, xoa bóp bấm huyệt, châm cứu…
Điều trị hội chứng thắt lưng – hông bằng kết hợp nhiều phương pháp an toàn và đạt hiệu quả cao.
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, sau hơn 10 năm xây dựng và phát triển đến nay, bên cạnh đội ngũ cán bộ nhân lực là các nhà giáo, thầy thuốc có kinh nghiệm còn được trang bị nhiều trang thiết bị hiện đại và trở thành một cơ sở khám chữa bệnh có chuyên môn và uy tín.
Khoa Y học cổ truyền của Bệnh viện là cơ sở khám và điều trị cho nhiều diện bệnh trong đó có HCTLH với nhiều nguyên nhân khác nhau. Hiện nay, theo phương châm kết hợp đông tây y, cũng như điều trị nội khoa bảo tồn, Khoa đã áp dụng phương pháp điều trị chủ yếu dựa vào châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, thuốc y học cổ truyền, xông thuốc y học cổ truyền kết hợp với vật lý trị liệu và phục hồi chức năng… phù hợp với từng nguyên nhân và thể bệnh trong điều trị.
Nhìn chung, việc điều trị HCTLH tại Khoa có tính an toàn và đạt hiệu quả cao, giảm thiểu các biến chứng gây ảnh hưởng tới vận động và sinh hoạt của người bệnh, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Lời khuyên cho cộng đồng

Nên đi khám ngay khi có biểu hiện sớm như: đau mỏi vùng thắt lưng hoặc có thể kèm theo đau tê lan xuống hông, xuống chân, hạn chế vận động…
Người bệnh có thể tới khám và tư vấn trực tiếp tại Khoa Y học cổ truyền (tầng 3 nhà A5) hoặc Khoa Khám bệnh (tầng 1 nhà A2) – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, số 1 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội vào các ngày trong tuần từ thứ 2 tới sáng thứ 7.
PGS.TS Lê Thành Xuân